Từ thực trạng khó khăn, thách thức, tiềm năng hiện tại, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm vực dậy lĩnh vực phân bón hữu cơ để bắt kịp nhu cầu, xu thế làm nông sản chất lượng cao thời công nghệ 4.0.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp đã tổng kết tỉ lệ các chất dinh dưỡng từ nguồn hữu cơ và vô cơ cho cây trồng hợp lý nhất là 30:70. Với tỉ lệ này, trung bình mỗi ha cần tới khoảng 10 tấn phân hữu cơ mỗi vụ
Dùng bột đậu tương làm phân hữu cơ thay thế phân hóa học
Vì vậy, cần coi sử dụng phân hữu cơ cho cây trồng là điều kiện bắt buộc trong sản xuất trồng trọt và phải được luật hóa trong Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi đang trong quá trình xây dựng. Cần thay đổi tư duy, phải coi phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi là nguồn tài nguyên chứ không phải chất thải để bắt buộc xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường, vừa tốn chi phí tiền bạc vừa lãng phí nguồn dinh dưỡng hữu cơ lớn.
Đồng tình quan điểm này, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy nhấn mạnh, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể phân vùng thảm đất để khuyến cáo sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón chuyên vùng, chuyên dùng cho các loại cây trồng. Có định hướng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản hữu cơ để trở thành tập đoàn hữu cơ trong nông nghiệp. Cần có cơ chế rõ ràng để hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích các nhà khoa học, nhà sản xuất phân bón nghiên cứu áp dụng sản xuất các loại phân bón hữu cơ công nghệ cao, phân hữu cơ chuyên dùng cho từng đồng đất, từng loại nông sản.
Với Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Hạc Thúy kiến nghị sớm xây dựng và trình Chính phủ công bố bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón hữu cơ. Đặc biệt, Chính phủ cần ban hành chỉ thị hoặc nghị quyết về chiến lược phát triển phân bón hữu cơ từ hộ nông dân đến các tập đoàn, doanh nghiệp giai đoạn 2018 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 – 2030. Song song đó, Hội Nông dân Việt Nam cũng cần có nghị quyết chỉ đạo và phát động phong trào hộ nông dân nhà nhà làm phân bón hữu cơ làm điểm mô hình tuyến tỉnh, huyện, xã.
Về mặt chuyên môn, PGS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lưu ý, khác với phân bón vô cơ, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ thì vi sinh vật đóng vai trò quyết định. Bởi vi sinh vật tham gia tích cực trong chu trình chuyển hóa vật chất trong tự nhiên, có quan hệ mật thiết với cây trồng và có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đất, cây trồng. Sử dụng vi sinh vật khởi động và vi sinh vật làm giàu dinh dưỡng trong sản xuất phân hữu cơ sinh học góp phần rút ngắn thời gian ủ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất và hiệu lực phân hữu cơ.
Hiện tại, trên thế giới và Việt Nam có một số chủng vi sinh vật phổ biến như vi sinh vật cố định nitơ, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật chuyển hóa kali, vi sinh vật tổng gợp chất giữ ẩm, phân giải chuyển hóa carbon, vi sinh vật đối kháng giúp cải thiện độ phì nhiêu đất trồng trọt. Do đó, tùy vào công nghệ sử dụng rác thải sinh hoạt, chất thải phế phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… đều có những chủng vi sinh vật tương thích. Để có một ngành sản xuất phân hữu cơ công nghiệp quy mô, số lượng lớn, theo PGS.TS Phạm Văn Toản, rất cần một ngành nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vi sinh vật tương xứng.
Để phát triển ngành phân bón hữu cơ các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần có bộ chính sách đồng bộ
Về phía Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, ThS. Phạm Anh Cường kiến nghị, trước mắt Nhà nước cần sửa đổi một số điều trong quy định của PGS Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng cho phép sử dụng phân động vật nuôi trong chuồng trại tập trung quy mô công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo một số yêu cầu được chuyên gia và các tổ chức quốc tế quy định và công nhận.
Tiếp đến, các công ty sản xuất ra các sản phẩm phân bón hữu cơ đủ tiêu chuẩn PGS sẽ được nhà nước miễn giảm thuế ít nhất trong 5 năm đầu để góp phần giảm chi phí cho nông sản hữu cơ, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong những năm bắt đầu phát triển nông nghiệp hữu cơ.